Cuộc đời dài lắm, ai rồi cũng sẽ già đi. Khi người trưởng thành già đi mỗi hệ cơ quan trong cơ thể đều trải qua những sự thay đổi khác nhau, những thay đổi cả về thể chất lẫn tâm lý mà chính bản thân của người cao tuổi cũng khó nhận ra tại sao mình lại thay đổi.
Khi chúng ta nhận biết được thay đổi sinh lý của tuổi già là nắm bắt được phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Thấu hiểu, quan tâm, yêu thương và chăm sóc nhiều hơn để người cao tuổi không còn cảm thấy cô đơn và lạc lõng.
Người cao tuổi dù ở nhà hay ở viện dưỡng lão đều mong muốn được yêu thương, quan tâm và chia sẻ mỗi ngày. Được gặp gỡ, có người cùng trò chuyện sẽ giúp người cao tuổi dễ dàng trải lòng, thêm niềm vui và sự đồng điệu trong tâm hồn, là phương pháp trị liệu tinh thần tốt nhất dành cho người cao tuổi.
Những biểu hiện tâm lý thường gặp ở người cao tuổi
Các stress của việc tái thích nghi với hoàn cảnh sống mới, khi phải chuyển từ giai đoạn làm việc tích cực đến giai đoạn nghỉ hưu.
Vị trí xã hội thay đổi, từ người chăm sóc gia đình, trở thành người được con cháu chăm sóc. Người cao tuổi thấy họ đã bị mất đi địa vị vốn có nên rất dễ bị tác động và mẫn cảm với mọi thứ xung quanh. Kèm theo đó là cuộc sống bận rộn khiến con cháu không có nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc sóc người cao tuổi, vô tình khiến cho các cụ cảm thấy bị lãng quên. Dễ nảy sinh tâm trạng chán nản, buồn phiền, mặc cảm, dễ tự ái và hay cáu gắt. Vì vậy cần quan tâm một cách khéo léo để người cao tuổi tránh rơi vào các trạng thái tiêu cực.
Tâm lý tự nhiên của người cao tuổi là thường sợ ốm đau, bệnh tật.
Như chúng ta biết, lão hóa là sự suy giảm không thể đảo ngược được trong chức năng của cơ quan, xảy ra theo thời gian, là kết quả của sự tương tác giữa môi trường sống, bệnh tật, di truyền, stress và rất nhiều yếu tố khác, nó làm khả năng miễn dịch của cơ thể bị suy giảm và cùng nhiều thay đổi âm thầm khác trong cơ thể mà chúng ta không nhìn thấy được.
Đặc điểm bệnh lý của người cao tuổi là mắc nhiều bệnh cùng một lúc như tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường, Alzheimer, Parkinson, các bệnh về xương, khớp, bệnh phổi, phế quản, tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, ung thư…
Người cao tuổi mà tuổi càng cao thì sức khỏe lại càng giảm sút, đi lại chậm chạp, không còn khả năng lao động, những người ốm đau, con cháu thường xuyên chăm sóc khiến họ gặp áp lực, cảm thấy lo lắng khi mình đang làm phiền đến người khác.
Hậu quả là bệnh tật làm thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc tâm lý và nhân cách của người bệnh. Bệnh càng nặng, càng kéo dài thì sự biến đổi tâm lý càng trầm trọng.
Đối tượng người cao tuổi nào thường xuyên bị rối loạn tâm lý?
Về độ tuổi, có hai giai đoạn người cao tuổi hay bị rối loạn tâm lý, đó là độ tuổi từ 50-59 và tuổi trên 70. Các cụ bà thường mắc bệnh nhiều hơn các cụ ông.
Những người bị mắc nhiều bệnh, kèm theo các chứng đau, phải nằm viện nhiều lần cũng dễ bị rối loạn tâm lý hơn.
Chia sẻ của cụ A, hiện đang sinh hoạt tại Dưỡng Lão Tâm Đức: Viện dưỡng lão giờ đây như gia đình thứ 2 của tôi, được các cháu chăm sóc, nhân viên Trung tâm quan tâm, mỗi ngày. Lại được sống có giờ giấc kỷ luật, có lịch sinh hoạt để mình lại sắp xếp, mong đợi đến giờ vui chung cùng tập thể cùng những người già. Trước đây khi còn ở nhà, ngày nào cũng lủi thủi, cảm giác cô quạnh một mình xem tivi, một mình ăn, một mình chờ chiều tà xuống, tuy con gái đi làm gọi điện về thường xuyên nhắc giờ ăn, giờ thuốc….vì không yên tâm. Sau này vào viện rồi, có các ông các bà cùng sinh hoạt, ra vào đông vui, không khí trong lành, giờ ăn giờ thuốc các cháu chăm sóc đầy đủ, cuộc sống nhẹ nhàng, thanh bình thấy sức khoẻ cải thiện rõ rệt và con cái cũng yên tâm hơn rất nhiều.
Người thân trong gia đình nên hiểu rõ những thay đổi trong tâm sinh lý của người cao tuổi. Nên chịu khó lắng nghe để ông, bà không cảm thấy bị tổn thương và luôn thấy được tôn trọng.
Người già thích sum họp gia đình, vì vậy con cháu nên thường xuyên tổ chức những buổi họp mặt gia đình, một bữa cơm ấm cúng có đủ con cháu quây quần xung quanh, đầy ắp tình yêu thương sẽ làm cho người già vui vẻ và hạnh phúc.
Tạo môi trường sống thoải mái cho người cao tuổi:
Khi về già, tính cách con người cũng thay đổi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người già thường hay để ý và trở nên kỹ tính, cuộc sống bó hẹp trong gia đình nên thường suy nghĩ và tủi thân. Ngược lại, lớp trẻ năng động và luôn có xu thế “hướng ngoại”, nghĩ cũng “thoáng” hơn. Điều này gây nên những mâu thuẫn trong các gia đình có hai, ba thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Vì vậy, để người già “dễ tính” hơn, các thành viên trong gia đình cần ôn hòa, dành nhiều hơn thời gian chăm chút hơn cho gia đình, khoan dung, chia sẻ và yêu thương nhau nhiều hơn.
Đằng sau mỗi ông bà, cha mẹ là cả một câu chuyện dài về văn hoá, lịch sử và trải nghiệm; là những câu chuyện đầy ý nghĩa của một đời luôn chăm chút, vun vén cho gia đình.
Khi mỗi Người cao tuổi quyết định nghỉ hưu, trút bỏ những trách nhiệm cá nhân để chạm đến thời điểm an dưỡng tuổi già, đây chính lúc họ đang bắt đầu một kỳ nghỉ thật dài.
Không chỉ là sự chăm sóc, Dưỡng Lão Tâm Đức sẽ giúp mỗi thành viên tận hưởng kỳ nghỉ ấy một cách trọn vẹn, khám phá những niềm vui mới hay khơi gợi lại những kỷ niệm, câu chuyện đã phần nào bị lãng quên trong những năm tháng cống hiến thanh xuân thật đẹp của mình.